Trường TH-THCS Bảo Khê tổ chức " lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” năm 2024
Thông điệp hưởng ứng “ Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” năm 2024
Tai nạn giao thông - Nỗi đau còn đó
Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu 300 ngàn người chết và khoảng 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15 -27 tuổi. Ở Việt Nam ta, trong những năm qua, tai nạn giao thông được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm nay, toàn quốc vẫn xảy ra hơn 19.700 vụ tai nạn giao thông và đã có hơn 9 ngàn người bị cướp đi mạng sống cùng gần 15 ngàn người bị thương tật suốt đời. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em xảy ra gần 2 ngàn vụ làm cho gần 800 trẻ em bị thiệt mạng và hơn 2 ngàn trẻ em bị thương . Hậu quả TNGT để lại những nỗi đau dai dẳng cho các gia đình nạn nhân, ảnh hướng đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến hình ảnh một đất nước an toàn, thân thiện trong đánh giá của bạn bè, đối tác.
Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên toàn cầu. Ngày 17 tháng 11 này với chủ đề năm “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông” là năm thứ 13, Việt Nam cùng thế giới tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ và tự nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống an toàn. Đồng thời đây cũng dịp, để nhắc nhở mỗi chúng ta về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông như: “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”; “Hãy tuân thủ tốc độ - Nhanh một giây, chậm cả đời”; “Đội mũ cho con - Trọn tình cha mẹ”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Thắt dây an toàn khi đi ô tô”; “ Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện” vv.... Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, để cùng xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn, văn minh. Và hơn hết, chính mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô giáo, mỗi cá nhân phải làm gương về việc thực thi quy định pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, khi tham gia giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em. Hãy vì niềm thương xót những người đã mất, mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống!
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kêu gọi mỗi người Việt Nam, hãy vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì sự an toàn của bản thân, của cộng đồng và thế hệ tương lại, hãy tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông, để cùng nhau chung sức ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông.
Vì sự an toàn trên mọi con đường!
Vì hạnh phúc của mọi người, mọi nhà!
Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại!
Vì sự an toàn của chính bản thân , gia đình và cộng đồng tôi kêu gọi toàn thể cán bộ , giáo viên , nhân viên , học sinh toàn trường hãy chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về ATGT , cụ thể:
(1) Trước khi tham gia giao thông phải kiểm tra mức độ an toàn của phương tiện.
(2) Phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định khi tham gia giao thông. Không tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi quy định.
(3) Phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Nói không với mũ bảo hiểm kém chất lượng.
(4) Đi đúng làn đường, phần đường, vạch đường,… theo quy định, luôn luôn có thái độ chấp hành đúng luật lệ an toàn giao thông.
(5) Bảo đảm đi đúng tốc độ. Nêu cao ý thức nhường đường, rẽ trái, rẽ phải… đúng quy định. Rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường. Phải biết giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.
(6) Bảo dưỡng định kỳ các phương tiện cẩn thận.
(7) Rèn luyện nếp sống văn hoá trong giao thông và thực hiện tốt quy ước “Bốn không, ba có” mà Ủy Ban An toàn Giao thông quốc gia đã kêu gọi toàn dân thực hiện khi tham gia giao thông (Bốn không gồm: Không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, vận hành phương tiện không đủ giấy tờ quy định; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ an toàn giao thông; không có thói hư tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra tai nạn giao thông; không để xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông. Ba có gồm: có hiểu biết đầy đủ pháp luật về giao thông; có ý thức trách nhiệm cao nhất với bản thân và cộng đồng; có hành vi ứng xử văn hoá, hợp tác giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông).
* Đối với phụ huynh: Để đảm bảo an toàn giao thông cho con em mình khi đi đến trường cũng như khi tham gia giao thông, các bậc phụ huynh cần phối hợp cùng nhà trường trong việc giáo dục các con học sinh thực hiện an toàn giao thông, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
- Khi đi xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn. Khi đi xe máy không để trẻ ngồi một mình nếu không có đai an toàn.
- Không cho trẻ dưới 7 tuổi sang đường nếu không có người lớn đi cùng.
- Khi điều khiển xe máy chỉ được phép chở tối đa 02 người trong đó có một người là trẻ em dưới 7 tuổi.
- Không để trẻ đi ra đường một mình hoặc nô đùa, chạy nhảy gần đường.
- Khi cho trẻ ngồi trên xe ô tô hoặc tàu hỏa, máy bay không cho trẻ mở cửa sổ thò đầu ra ngoài.
- Bố, mẹ đưa con đến trường bằng xe máy: Phải thực hiện đúng luật giao thông dành cho người đi xe máy: Người điều khiển xe và người ngồi sau xe phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Bố, mẹ nên trang bị cho mình và cho con mình loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và con em mình nếu có sự cố xảy ra. Khi đưa trẻ tới trường cần để xe vào nơi quy định, không đi xe vào sân trường.
- Không để trẻ em dưới 10 tuổi đưa đón em bằng xe đạp, hay trẻ vị thành niên đưa đón em bằng xe mô tô, xe gắn máy.
- Trước khi cho trẻ xuống xe cần tắt máy, rút chìa khóa ra khỏi xe.